Xã Dân Hòa phát triển nghề nuôi ong lấy mật

Video Cách bắt ong chúa về nuôi
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Lê Văn Hảo, xóm Tân Lập – một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có nhiều đàn ong nhất xã. Thời gian đầu, nhà ông chỉ nuôi 1 – 2 đàn với mục đích để gia đình dùng là chính. Vừa nuôi, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, đến nay, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, ông đã có gần 100 đàn ong cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. ông Hảo chia sẻ

Nghề nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Đối với mùa lạnh khan phấn phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề. Tuy nhiên, môi trường không khí hiện nay khá ô nhiễm nên các đàn ong hay bị bệnh thối ấu trùng. Do đó, vào đầu vụ và cuối vụ thường phải cho ong uống thuốc kháng sinh để phòng bệnh. Ngoài ra cần chú ý chuyển đàn ong đến các vùng có nhiều hoa để ong hút mật. Công việc này thường làm trong đêm vì đàn ong đã về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và ít bị ảnh hưởng do thay đổi vùng khí hậu đột ngột.

Xã Dân Hòa phát triển nghề nuôi ong lấy mật
Hộ ông Lê Văn Hảo, xóm Tân Lập, xã Dân Hoà (Kỳ Sơn) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi ong

Với 100 đàn ong tương đương 100 thùng, được trải dài trên khu đất đồi sau nhà, vợ chồng ông Hảo luôn tay, luôn chân đi kiểm tra tổ. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, bạch đàn… Mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 – 7, đặc biệt là từ tháng 5, gia đình ông quay mật 2 – 3 lần /tháng, thu được hàng nghìn lít mật ong với giá bán từ 150.000 – 200.000 đồng /lít. Việc phát triển mô hình nuôi ong lấy mật đã giúp gia đình ông vươn lên khá giả và trở thành hộ điển hình trong phong trào nuôi ong của xã.

Hiện tại, xã Dân Hoà có khoảng 100 hộ nuôi ong với gần 3.000 đàn, thu được 16.000 -18.000 lít mật, tương đương trên 2, 5 tỷ đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong ngoài lợi ích về kinh tế, đan xen kết hợp diện tích trồng rừng, còn tạo việc làm lúc nông nhàn nên nhiều hộ gia đình tích cực học hỏi và triển khai mô hình này.

Đồng chí Đinh Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Dân Hoà cho biết: Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Dân Hoà. Trước đây, những người nuôi ong trong xã chủ yếu nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, nhiều hộ đã tận dụng diện tích vườn đồi, phát triển nghề nuôi ong, đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn. Đặc biệt từ năm 2011, các hộ nuôi ong trong xã ký hợp đồng theo chuỗi liên kết với một cơ sở sản xuất ở Hưng Yên. Theo đó, cơ sở này sẽ cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Vì thế, hộ nuôi ong trong xã phát triển mạnh. Nếu như năm 2016, cả xã mới có 30 hộ nuôi ong lấy mật thì đến năm 2017 đã phát triển lên gần 100 hộ. Để nuôi ong lấy mật trở thành hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy các hộ nuôi ong mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình, xã mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, giúp đỡ với các biện pháp phù hợp để có thể phát triển mô hình một cách bền vững.

Theo baohoabinh.com