Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Ngoài những đồi chè bát ngát, nơi đây còn có nhiều trại nuôi ong, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân Mộc Châu
Vào thời điểm này, trên cao nguyên Mộc Châu phải có đến gần 100 trại lớn nhỏ, có trại nuôi đến 200, 300 đàn ong.
Có 4 mùa khai thác mật ong, tùy theo từng loài cây có trong thiên nhiên. Khoảng thời gian đầu năm, người nuôi ong sử dụng hoa cỏ lào (dân gian gọi là cây chó đẻ). Loài hoa này có màu tím, mọc sát dưới đất, xuất hiện nhiều vào tháng 12, nhất là dịp cận Tết. Loài hoa này tiết ra khá nhiều mật, là loại thức ăn lí tưởng cho ong. Người nuôi ong phải đi lấy hoa từ tháng 12 và tích trữ để làm nguồn thức ăn.
Gia đình chị Nguyên Sơn có 120 đàn ong, nuôi gần nông trường Mộc Châu. Chị cho biết, nguồn mật thu được theo từng vụ không cố định, còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng thức ăn. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ việc nuôi ong là khá tốt. Nhiều hộ gia đình có quy mô lớn có thể thu lãi hàng tỷ đồng mỗi mùa.
Mùa đông ong ở yên trong nhà của chúng. Còn mùa hè, ban ngày ong bay đi khắp nơi tự thụ phấn. Đến tối, chúng lại kéo nhau trở về đúng tổ của mình. Nếu “lạc” sang đàn khác, con ong đó sẽ bị cắn chết.
Nhiều người nghĩ nuôi ong không tốn kém vì chúng có thể tự thụ phấn. Nhưng có làm mới biết cái vất của người nuôi ong. Đây là thời điểm “dưỡng”, lấy đủ quân (ong) để đi lấy mật nên người nuôi ong phải thúc cho ong ăn bằng cách mua đường, mua phấn.
“Tuy nhiên, cái ngọt của đường khác với cái ngọt tự nhiên của hoa, nên chúng tôi cũng không dám thúc cho ong ăn đường nhiều. Cho ong ăn đường chỉ với mục đích nuôi sống ong chứ không thể thu được mật”, chị Nguyên Sơn chia sẻ kinh nghiệm. Trong ảnh, người thợ đang hun khói để đuổi bớt ong đi.
Mỗi thùng có một lỗ nhỏ, chỉ vừa đủ để ong chui ra, chui vào.
Để ong cho nguồn mật dồi dào, trong vòng một năm người nuôi phải di chuyển hết vùng này đến vùng khác để kiếm thức ăn cho ong. Những nơi lý tưởng để kiếm mật phải là nơi phong phú, dồi dào về lượng nhãn, keo, hoa cỏ lào như Sông Mã, Hưng Yên, Hòa Bình,…
Một thùng ong vào mùa thu hoạch có khoảng 9 cầu quay. Tính ra, người nuôi thu được khoảng 8-9kg mật cho mỗi thùng.
Mỗi một thùng có một con ong chúa. Ong chúa nó to hơn hẳn ong thợ và có màu đậm hơn, làm nhiệm vụ sinh sản và điều hành toàn bộ tổ. Việc giao phối của ong chúa được thực hiện ngay từ khi người nuôi tạo xong ong. Sau lần đó, ong chúa không bao giờ ra khỏi tổ, trừ khi nó chết. Nếu ong chúa ra khỏi tổ, toàn bộ đàn ong cũng sẽ bay theo. Sau mỗi mùa nhãn, người nuôi ong sẽ thay ong chúa một lần.
Tấm bánh tổ (cầu) trước hết được người nuôi xây nền, căng dây thép. Ban đầu, tấm bánh tổ chỉ mỏng như tờ giấy, nhưng sau đó ong tự xây tiếp thành tấm to, dày.
Nhiều người khi nhìn thấy mật ong bị đông đặc, kết thành màu trắng thì cho rằng là mật giả. Nhưng theo kinh nghiệm của vợ chồng chị Nguyên Sơn, mật đông đặc mới là mật ong xịn. “Mật ong vốn cũng là đường. Nhưng mật ong là đường glucozo, còn đường mía là đường saccarozo. Nếu để mật ong lâu ngày thì tỉ lệ nước không còn sẽ dẫn đến kết tinh. Mật ong pha nước đường thường loãng hơn mật ong nguyên chất nên nó ít bị kết tinh hơn, hoặc nếu nấu đặc thì sẽ có kết tinh một lớp mỏng ở đáy chai”.