Mùa ong rừng ở Tây Nguyên bắt đầu từ sau Tết âm lịch cho đến giữa năm. Phóng sự ảnh này được thực hiện ở huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai.
Ong rừng Tây Nguyên cũng có rất nhiều loại, nhưng phổ biến và cho nhiều mật nhất là ong Khoái. Băng rừng, vượt suối tìm ong. Nếu may mắn, một ngày, một nhóm thợ có thể tìm và bắt được 5-7 tổ ong rừng. Nhưng cũng có nhiều ngày, họ đi rồi về tay không.
Đồ nghề mang theo để bắt ong rừng rất đơn giản và gọn nhẹ, tất cả đều gói gọn trong một chiếc ba lô.
Ở tận rừng sâu, trên những cổ thụ có nhiều tổ ong, thậm chí hàng chục tổ, có thể khai thác được hàng trăm lít mật.
Thợ bắt ong làm đuốc để xua đuổi ong. Đây là công đoạn quan trọng nhất và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đuốc được làm từ cành cây rừng cả khô và tươi.
Đuốc phải được bó thật chặt để cháy được lâu và không bị rơi khi thợ ở trên cây. Nếu đuốc cháy hết hoặc bị rơi giữa chừng, thợ bắt ong sẽ đối mặt với thảm họa từ hàng trăm nghìn con ong.
Thợ bắt ong cũng cần phải che mặt để tránh bị ong đốt vào mắt.
Thợ bắt ong rừng cần sức khỏe dẻo dai và kỹ năng leo cây rất giỏi. Họ cũng là những người chịu đựng khói rất tài, rất đặc biệt.
Hàng trăm nghìn con ong bay khỏi tổ khi bị khói xua đuổi.
Và đây là thành quả…
Bên phải là phần chứa mật ong, còn bên trái là phần chứa nhộng ong. Trước đây, thợ bắt ong chỉ lấy phần chứa mật, chừa lại phần nhộng. Tuy nhiên, gần đây, do nhu cầu, họ bắt cả tổ ong để bán. Phần nhộng ong thường để ngâm rượu.
Mật ong rừng có giá khá cao nên bà con ít khi sử dụng mà để bán cho khách.
Nghề bắt ong đôi khi là nghề chính, nuôi sống cả gia đình./.