Một trong những nông dân có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc tìm ra bí quyết bắt ong rừng về nuôi tại nhà để lấy mật là lão nông Cà Văn Sương, 59 tuổi, ở bản Pùa, xã Bản Lầm. Nhìn thấy khách đến chơi nhà, lão Sương vội xoè đôi bàn tay chai sần, thô ráp của mình ra bắt tay. Vẻ thật thà chất, chất phác hiện rõ lên trên nét mặt của người nông dân vùng cao này.
Rót ly nước mời chúng tôi, ông Sương ngược dòng thời gian, kể: Trước kia, nơi đây toàn rừng rú nên ong rừng lấy mật nhiều vô kể. Sau đó rừng bị con người chặt phá làm nương rẫy, và từ đó đàn ong cũng biến mất dần dần. Tuy nhiên từ những năm 2003 trở lại đây, được cán bộ tuyên truyền về lợi ích của rừng, người dân bản Pùa chuyển từ canh tác nương rẫy sang khai hoang ruộng bậc thang. Nhờ đó, diện tích rừng tái sinh ngày càng phát triển và xanh tốt trở lại.
Theo ông Sương, khi diện tích đất trống đồi núi trọc được phủ xanh trở lại cũng là lúc đàn ong mật quay trở lại bản Pùa. Ong rừng lấy mật thường xây dựng tổ trong các bộng cây, hốc cây có lối vào kín đáo. Hiểu được giá trị và tác dụng của mật ong nên người dân vào rừng khai thác vô tội vạ khiến nhiều cây to nơi ong rừng làm tổ bị gẫy. Để khắc phục điều này, người dân bản Pùa chúng tôi đã tìm cách đưa ong rừng về nuôi tại nhà. Việc này vừa giúp bà con lấy được mật ong rừng nguyên chất mà lại giữ được rừng.
Bật mí bí quyết đó với chúng tôi, ông Sương bảo: Để bắt ong rừng rất đơn giản. Đầu tiên phải tìm được một thân cây gỗ khô rỗng ruột dài khoảng 1m, đường kính từ 30 – 40 cm để làm tổ cho ong. Nếu không có thân gỗ khô thì có thể dùng tấm ván ghép lại với nhau thành hình chữ nhật. Lưu ý, ong rừng rất khoái phân trâu nên sau khi làm tổ xong phải dùng phân trâu bịt kín các khe hở quanh tổ và dùng dùi tạo 2 – 3 lỗ nhỏ cỡ ngón tay út để ong chui ra chui vào. Sau đó, dùng sáp ong chà mạnh vào tổ ong và mang lên trên rừng đặt ngang cạnh những thân cây to, đàn ong sẽ tự tìm đến để xây tổ..
Ông Sương tiết lộ thêm: Khi đặt tổ ong vào rừng xong phải thường xuyên đi thăm. Nếu phát hiện có đàn ong vào tổ ở thì đợi khi trời tối vác ngay về nhà, không được để ong ở trong rừng lâu. Bởi, nếu để lâu một khi ong rừng đã xây được bánh, trong quá trình mang tổ về nhà làm bánh bị rơi thì đàn ong sẽ mãi mãi không bao giờ ở tổ đó nữa mà bay thẳng về rừng. Bên cạnh đó, cũng phải nắm được tập tính, thời điểm ong tìm về làm tổ để làm sao đặt tổ hiệu quả. Thời điểm đó thường là vào tháng 10 – 11 và tháng 2 – 3 khi cây cối đơm hoa kết trái.
“Tôi bắt đầu nuôi ong rừng từ những năm 2004. Lúc đó chỉ có 3 tổ. Bằng cách đặt tổ ong ở trên rừng, đến nay gia đình tôi có 30 tổ. Ong rừng cho chất lượng mật không chê vào đâu được. Một năm lấy mật được 3 lần ( tháng 3, tháng 5, tháng 7). Trong đó, mật chất lượng và nhiều nhất là vào tháng 5.
Khi lấy mật xong, ong rừng lại bay đi. Có những tổ khi lấy mật xong để 2 – 3 bánh ong trong tổ thì ong sẽ ở lại và không bay vào rừng. Đối với những tổ bay đi, tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, chúng lại quay trở về tổ cũ. Một tổ ong như tôi đang nuôi bây giờ thu được 7 – 12 kg mật ong. Với giá từ 70 – 100 nghìn đồng/kg, một năm tôi bỏ túi từ 25 – 30 triệu đồng. Vừa có tiền, vừa bảo vệ được rừng”, ông Sương phấn khởi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thiểng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Lầm cho biết: Nghề nuôi ong rừng ở bản Pùa, xã Bản Lầm không những đem lại giá trị kinh tế cho người nuôi mà còn góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, đồng thời mong muốn các cơ quan chuyên môn của huyện Thuận Châu hỗ trợ thêm về kỹ thuật nuôi và giúp bà con quảng bá sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định.