Đu đủ gần chín để cả quả luộc thật chín, bỏ hạt ăn phần thịt cho thêm ít muối lấy thìa xúc ăn ngày 2 lần hỗ trợ chữa sỏi mật, sỏi thận…
Thành phần dưỡng chất của đu đủ
Đu đủ có tên mộc qua, tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ. Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Vào mùa hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Vào thu đông, đu đủ giúp nhuận táo, ôn bổ tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hoá đàm.
Trong đu đủ lượng beta caroten nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta caroten là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống oxy hoá mạnh giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng.
Y học hiện đại đã chứng minh thành phần dinh dưỡng của đu đủ: Trong 100g quả chín ăn được có chứa chất đạm (0,34g), chất béo (0,9g), chất xơ (1,3g), calci (40mg), sắt (0,78mg), ma-nhê (10mg), phosphor (20mg), kali (257mg), natri (3mg), kẽm (0,07mg), đồng (0,16mg), mangan (0,011mg), betacaroten (0,014UI) và vitamin… B1(0,36mg), B2 (0,58 mg), B3 (0,5mg), B5 (0,218mg), B6 (0,019mg), vitamin C (71mg) và nhiều dưỡng chất cần thiết với sức khỏe, trong 100g đu đủ chín cung cấp 44-55 calo.
Lợi ích của đu đủ
Theo Y học cổ truyền, quả đu đủ có vị ngọt tính mát. Tác dụng bổ dưỡng, kiện tỳ, nhuận tràng, thanh nhiệt, lợi thấp… Chữa bụng đầy chậm tiêu, táo bón, phong thấp nhức mỏi, chống oxy hoá… Đu đủ còn được xem là loại quả ngon giúp tiêu hóa chất đạm thịt cá dư thừa trong cơ thể.
Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C, trong 100g đu đủ có 74–80 mg vitamin C. Chiết xuất vitamin A từ quả đu đủ có thể sản xuất ra thuốc chống lại bệnh quáng gà ở trẻ em.
Đu đủ còn là loại quả giàu chất xơ nên có tác dụng làm giảm mỡ máu (cholessterol), riêng acid folic có trong đu đủ có tác dụng làm chuyển hóa homocysteine thành acid amino. Nếu không được chuyển hóa thì homocysteine có thể gây phá hủy trực tiếp các mạch máu, thậm chí nếu cao, có thể gây bệnh đau tim hoặc đột quỵ.
Đu đủ xanh có chứa nhiều men papain, tác dụng giống như pepsin của dạ dày, nhất là giống trypsin của tụy trong việc tiêu hóa thịt. Men papain trong đu đủ xanh có tác dụng làm mềm thịt bắp, chính vì vậy đu đủ xanh thường được nấu chung với chân giò dùng cho các bà mẹ đang cho con bú, đu đủ xanh không những giúp chân giò mau mềm mà còn có tác dụng kích thích việc tăng tiết sữa của bà mẹ.
Chữa khớp đang bị sưng đau: Dùng quả đu đủ chín bó vào nơi khớp sưng đau ngày 1-2 lần, qua đêm càng tốt.
Chữa ho viêm họng khàn tiếng: Dùng hoa đu đủ đực 20-30g chưng cách thủy cho ít mật ong uống ngày vài lần.
Chữa sỏi mật, sỏi thận: Đu đủ gần chín để cả quả luộc thật chín, bỏ hạt ăn phần thịt cho thêm ít muối lấy thìa xúc ăn ngày 2 lần.
Chữa sỏi thận: Dùng hoa đu đủ đực tươi 300g (khô 100g sao vàng hạ thổ) sắc uống, cách sắc: 4 chén nước còn 1 chén uống trong ngày, đợt uống 5-7 ngày.
Chữa bụng đầy chậm tiêu: Đu đủ xanh hầm với xương thịt động vật giúp mau nhừ dễ tiêu.