Được mùa, trái rẻ rề, làm siro chanh đào mật ong bán chạy đều đều

Video Cách bắt ong chúa về nuôi
Chanh đào mới xuất hiện ở vùng Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, nhưng do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên giống cây phát triển khỏe mạnh, cho quả sai, mọng nước. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định từ việc bán chanh đào tươi, người dân vùng Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh còn làm siro chanh đào mật ong (đặc trị bệnh viêm, đau họng) – sản phẩm OCOP Quảng Ninh và được thị trường đón nhận

Gia đình anh Vũ Văn Thiết ở thôn Hải Đông là một trong nhiều hộ nông dân của xã Quảng Thành, huyện Hải Hà thực hiện thành công việc chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi, trong đó chủ yếu là chanh đào.

Được mùa, trái rẻ rề, làm siro chanh đào mật ong bán chạy đều đều
Nhiều hộ dân của xã Quảng Thành đang chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng chanh đào

Năm 2014 anh Thiết nghe theo lời khuyên của người bạn bỏ nghề lái xe đường dài về mở gia trại trồng chanh đào. Từ quyết định ấy, anh Thiết dốc hết số tiền tích cóp, vay mượn thêm anh em bạn bè, ngân hàng để trồng gần 3.000 cây chanh đào trên diện tích 2ha. Giống chanh 3 năm tuổi được mua từ Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ thuật giống cây trồng Việt Nam (trụ sở tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Qua những tháng đầu tiên đầy lo lắng, nhưng chỉ sau 1 năm cây chanh đào đã cho thấy rất phù hợp với vùng đất ở đây, trung bình mỗi cây cho khoảng 10kg quả, có cây ra tới 300 quả (khoảng 20kg).

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình, sản lượng chanh đào gia đình anh tăng theo từng năm, từ 5 tấn trong vụ đầu tiên, đến nay sản lượng chanh đào đã tăng lên gấp 4 lần với 20 tấn.

Từ gợi ý của lãnh đạo xã Quảng Thành là nên thử làm si rô chanh đào để có giá trị kinh tế cao hơn, vụ thu hoạch chanh đào đầu tiên được 4 tấn quả, anh Thiết dành 1 tấn làm được 2.300 lọ si rô. Quả chanh đào tươi được thái lát ngâm với mật ong rừng. Toàn bộ sản phẩm si rô chanh của anh bán hết nhanh tại Hội chợ OCOP tỉnh vào tháng 4.2015, với giá bán 130.000 đồng/lọ, thu về gần 300 triệu đồng, trong khi 1 tấn chanh tươi chỉ bán được khoảng 30 triệu đồng.

Được mùa, trái rẻ rề, làm siro chanh đào mật ong bán chạy đều đều
Anh Vũ Văn Thiết đang thu hoạch Chanh đào trái vụ.

Từ kết quả này, sản phẩm “Si rô chanh đào” của anh Vũ Văn Thiết dần được hoàn thiện, từ chất lượng đến mẫu mã, nhãn sản phẩm rồi được công nhận là sản phẩm OCOP của xã Quảng Thành và huyện Hải Hà. Hiện anh Thiết đang đầu tư mở rộng nhà xưởng thêm khoảng 150m2, cùng nhiều thiết bị máy móc để sản xuất si rô.

Anh Thiết chia sẻ: “Kỹ thuật trồng chanh không khó, tuổi thọ của cây khá dài, từ 13 đến 15 năm mới phải thay lứa giống mới, tùy vào điều kiện chăm sóc và chất đất. Nếu trồng đúng kỹ thuật, cây chanh đào giống lớn sẽ cho quả ngay, còn những cây chanh giống nhỏ thì mất khoảng 2 đến 3 năm từ lúc trồng tới lúc cây ra hoa, bói quả”.

Từ mô hình của anh Thiết, chính quyền huyện đẩy mạnh giới thiệu về hiệu quả kinh tế của giống cây và khuyến khích các hộ chuyển đổi sang canh tác chanh. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong vùng đã trồng loại cây này, thu nhập của người trồng chanh cũng tăng lên nhiều lần.

Vụ chanh năm nay, riêng hộ anh Thiết ước tính thu khoảng 6 tấn quả chanh đào. Với doanh thu trên 500 triệu đồng mỗi năm từ cây chanh đào, gia đình anh Thiết còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân trong xã, mỗi mùa thu hoạch với mức lương 200.000đ/ngày/người.

BOX: “Thành công của sản phẩm “Si rô chanh đào” không chỉ tạo cho xã sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo thêm việc làm cho nông dân, cải tạo những khu ruộng xấu thành vườn cây ăn quả. Sản phẩm “Si rô chanh đào” cần lượng mật ong rất lớn để chế biến, điều này còn giúp cho nghề nuôi ong của huyện và một số địa phương khác trong tỉnh phát triển”. Ông Hoàng Phi Trường – Bí thư Đảng uỷ xã.